Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Cảm hứng lấy chồng

Từ hồi đặt chân vào cơ quan này, mình nhận ra một điều cảm hứng lấy chồng của mình bị tác động tương đối nhiều. Chính xác là mình đã phải thốt lên “Từ hồi về đây, em hết hứng lấy chồng rồi!”.

Hồi ở TYM, mình thích lấy chồng vì môi trường đấy chuyện chồng con khá đơn giản làm việc lấy chồng rất vui hoặc các chị ở đó có cách để chuyện lấy chồng vui mà đối xử với bố mẹ chồng cũng nhẹ nhàng. Mặc dù thời gian mình ở TYM không lâu nhưng ở đây mình học được cụm từ “vị thế người phụ nữ trong xã hội mới”.


Sau thời gian tự soi bản thân (tự trào) thì mình nhận thấy có mấy yếu tố liên quan đến công việc tác động tới việc chọn chồng:      

1. Môi trường làm việc: TYM là 1 tổ chức nhà nước có thu chi nên mặc dù nó là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Mình làm ngoài (tư nhân) thì đầu óc hoạt động 100-150% công suất là chuyện bình thường, về TYM thì đầu óc chạy ở mức độ 70-90%, về cơ quan hiện tại 20-30%. Sự năng động của môi trường khiến bạn gặp và tiếp xúc nhiều người hơn khiến bạn có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Mặc dù hơi phiến diện chút nhưng nếu bạn tầm thường thì khả năng bạn lấy được 1 người chồng tầm thường là 90%. 10% còn lại rơi vào cái hố bất thường! Thi thoảng có đứa nào đó thất tình hay thấy cuộc đời u ám mình kêu join vào môi trường khác xem nào!

2. Trình độ học vấn: lại nói TYM là 1 tổ chức có thu chi nên mặc dù là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Hầu hết nhân viên ở đó đều có bằng cử nhân đại học. Mình không muốn nhấn mạnh vào vấn đề bằng cấp hay đại học là con đường duy nhất nhưng bằng cấp sẽ quyết định 1 phần nào đó cuộc đời bạn. Tin hay không thì tùy. Một người đầu óc của bằng đại học chắc chắn sẽ hơn đầu óc của 1 người bằng trung cấp hay cao đẳng. Mình nhắc lại lần nữa, bằng cấp không quan trọng nhưng cái quyết tâm học hành chăm chỉ để có được cuộc sống tốt hơn – cử nhân thì nó khác cái cố gắng để đạt cái ở tầm trung - đỗ cao đẳng hay trung cấp. Bỏ qua chuyện học tài thi phận đi. Bạn thất bại là do bạn không cố gắng hoặc không cố gắng hết mình. Đó là lỗi của bạn chứ không phải lỗi do “số mệnh”. Cũng đừng bao giờ cố gắng giành cái sự “may mắn” nằm trong nhóm “học tài thi phận”. Hèn lắm!

3. Khả năng ngoại ngữ: nói thêm lần nữa TYM là 1 tổ chức có thu chi nên mặc dù là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Trong văn phòng trụ sở chính (Hà Nội) luôn có các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm, thăm mô hình, hỗ trợ chính sách… Tiếng anh được sử dụng ngang tiếng việt. Thành thạo nghe nói tiếng anh là 1 trong những yêu cầu quan trọng khi xét tuyển vào TYM. Biết và sử dụng được 1 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ sẽ giúp bạn mở rộng tư duy khiến đường chân trời cao và xa hơn. Không tin thì thử mà xem. (Nhân đây phải cám ơn TYM lắm lắm vì thời gian ở đây trình độ tiếng anh của mình đã cải thiện rất nhiều.)

4. Các lớp đào tạo tập huấn: 80% các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ đều do chuyên gia nước ngoài đứng lớp, học bằng tiếng anh (mặc dù có phiên dịch nhưng chỉ dùng trong trường hợp đoạn đấy khó nghe hoặc khó hiểu mà thôi). Học là học thật và học cho mình. Chứ không phải học để giải ngân. Cái cảm giác biết là học nó sẽ giúp cho cuộc sống của mình nó thiết thực hơn là học mấy thứ lăng nhăng mà năm nào cũng học, dạy chớp nhoáng mà học chớp nhoáng.




5. Thời gian nghỉ trưa: Thời gian mình ở TYM, thời gian nghỉ trưa sau khi đi ăn thì có thể là café nói chuyện với nhau hoặc ngủ hoặc đọc sách, đọc báo. Thấy ai bảo thời gian rảnh rỗi bạn làm gì, nó sẽ quyết định mức sống của bạn đấy. Tin hay không thì tùy!

6. Không khí làm việc: TYM chấm công bằng vân tay, ai đến thì lẳng lặng vào chỗ mình ngồi để làm việc, đến muộn thì càng trật tự hơn. Không có chuyện đến cơ quan mặt nặng mày nhẹ rồi kể chuyện mẹ chồng nay làm sao, chị chồng tối qua nói câu gì, chồng tiêu tiền vào cái vô bổ gì. Không khí làm việc làm việc khẩn trương, quy củ, lịch sự khiến TYM rất chuyên nghiệp. Thái độ nghiêm túc với công việc và môi trường làm việc sẽ gợi mở cách bạn ứng xử với những vấn đề khác trong cuộc sống. Cứ quan sát mà xem, thú vị phết!

Mình vốn không thích so sánh cái này với cái kia, người này với người kia, cơ quan này với công ty kia… Nhưng đôi khi, bắt buộc mình phải làm việc này bởi mình muốn biết mình đang đứng ở đâu trong môi trường như thế nào để biết cái gì đã/đang/sẽ tác động đến mình. Thật may là “cái con con” của mình đã cứu rỗi tinh thần mình từ ngày bước chân vào đó. Cám ơn “cái con con” và những người trong thế giới riêng của một copywriter đã đem đến cho mình những điều hay ho và vui vẻ khác trong cuộc sống!

Các cô gái, rảnh thì tự soi mình xem. Chúc vui :D


Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Tìm người đàn ông thay bóng đèn

Đang dùng hết sự tỉnh táo của tinh thần và tốc độ gõ nhanh nhất trên laptop để hoàn thiện gấp bản thảo. Thì. Mất điện. Căn phòng tràn tối, ngón tay hẫng, vẫn nghe thấy tiếng xe chạy ngoài đường. Tâm trí cô nhớ mẹ nuôi mình. Cứ mỗi lần mất điện hay những đồ đạc trong căn phòng chừng 20m2 bị hỏng là cô lại nhớ đến mẹ nuôi – người đàn bà chưa từng dạy cô rằng phải trở thành người mạnh mẽ, đã khiến cô mạnh mẽ. 

“Nhà không có đàn ông, thì đàn bà phải làm đàn ông!” đấy là cái câu mẹ nuôi đã nói 2 đứa khi mẹ nuôi đã thay xong cái bóng đèn mới để trả lại ánh sáng cho căn phòng của 3 mẹ con. Với cái tuổi lúc ấy thì cô không thể hiểu hết được ý nghĩa của câu nói đó. Với 1 đứa 7 tuổi thì “nhà không có đàn ông” tức là tại giây phút đó trong căn nhà không có người đàn ông nào. Vào một ngày nắng lắm, mẹ nuôi chở bạn sang nhà cô rồi để bạn chơi ở đó với cô cả ngày - lần đầu tiên 2 đứa được chơi với nhau lâu như thế. Lúc mẹ nuôi đón bạn về, cô thấy khuôn mặt mẹ nuôi có điều gì đó mà cô không gọi tên được nhưng nó làm cô nhớ. Sau đó, ba mẹ bảo “Mẹ nuôi li dị rồi, giờ cho Trang sang chơi nhiều với mẹ nha!”

Sau này khi quyết định thuê nhà để sống 1 mình, và gặp nhiều mẹ đơn thân khác, cô càng ngấm hơn cái cụm từ “nhà không có đàn ông”. Cái nghĩa là năm xưa cô hiểu là đúng, nhưng đó chỉ là 1 phần rất nhỏ, rất rất nhỏ trong cái mênh mông bể sở nỗi chênh vênh, khó nhọc và cay đắng mà người phụ nữ đơn thân phải trải qua. 24 tuổi, sống 1 mình được 4 năm. Ở cái tuổi 20, cô tự cho cái quyết định của mình là mạnh mẽ. Cô không sợ buồn, không sợ khổ, chỉ sợ bạn chung phòng phá mất không gian riêng tư yên tĩnh của cô. 24 tuổi khi trải qua nhiều mối tình, cô biết đâu là người đàn ông mà cô cần trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình. Cô chúa ghét cái kiểu đàn ông chỉ đọc mấy sách dạy kỹ năng quản trị, quản lý để làm người thành đạt. Thực ra cô ghét tất cả cái bọn làm và đọc sách về kỹ năng mềm hời hợt. Cô ghét cả cái kiểu đàn ông suốt ngày ngồi nghĩ tối ăn gì, mai mặc gì đi làm, dùng loại nước hoa gì để quyến rũ phụ nữ, nói câu nào để gạ gục 1 cô nào đó trong những giây đầu tiên. Cái bọn hời hợt này chỉ tán tỉnh được mấy đứa con gái ưa màu mè, ưa phấn son, ưa cái vẻ bên ngoài… Chúng chẳng bao giờ chạm đến vào tâm hồn của người phụ nữ cần 1 người đàn ông thực sự.

Người đàn ông thực sự trước hết là người đàn ông phải có mặt đúng lúc để thay cái bòng đèn trong nhà, sửa được cái hỏng nhỏ nhỏ ở xe đạp của con, dành ngày cuối tuần mang xe máy của vợ đi bảo dưỡng… Cô có 1 anh bạn giám đốc 1 công ty lớn, đi công tác liên miên để vợ ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ. Đến 1 ngày anh nói với cô rằng hình như vợ anh thay đổi rồi, đêm mưa gió vợ không còn rúc vào người anh tìm sự che chở, anh bắt gặp cô trèo lên bàn để thay cái bóng đèn trong bếp khi anh đang mải mê làm việc, đường ống nước bị rỉ cô gọi thợ đến sửa khi anh đang ngủ… Cô bảo đúng là vợ anh thay đổi rồi, anh buộc vợ anh phải trở nên mạnh mẽ để đối mặt với những sự cố lúc không có anh. Bất kể người phụ nữ thông minh nào cũng yêu công việc của chồng, đều cố gắng để trở thành hậu phương mãnh mẽ cho chồng. Nhưng người phụ nữ thông minh nhiều, mạnh mẽ nhiều thì buồn nhiều và cô đơn nhiều. 

Với cô, một người đàn ông thực sự là người đàn ông vừa lo lắng được tài chính cho gia đình, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình, vừa có thời gian dành cho bạn bè. Cô nói với anh bạn rằng, nếu cô là vợ anh cô vẫn rúc vào người anh khi đêm mưa gió bởi đó là giây phút duy nhất trong ngày cô cho phép mình yếu đuối, cô sẽ vẫn nhờ anh thay cái bóng đèn trong bếp để lúc ăn cơm cô sẽ hãnh diện mà chỉ cho con “Bóng đèn bố mới thay cho mẹ đó, ánh sáng thật là đẹp con nhỉ!”, cô sẽ chờ anh thức dậy để xử lý đoạn ống nước bị rỉ bởi cô biết anh sẽ bớt thấy áy náy mỗi khi đi công tác phải để vợ con ở nhà… Cô nói, anh hãy thêm thời gian để bên cạnh chị, âu yếm an ủi chị, chị vất vả lắm đấy. 

Có vẻ như cô mong chờ quá mức ở người đàn ông của mình. Nhưng biết đâu được đấy, trái đất tròn chúng ta sẽ gặp nhau, anh nhỉ?


Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

"Quyên"



Review "Quyên" 

Đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình

Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ 


(Ngày thứ 3 công chiếu, xem lần 1, chưa đọc tiểu thuyết, chưa xem trailer, chưa đọc review)


Mở đầu “Quyên” là cảnh tuyết trắng xóa trên đỉnh núi cao tại biên giới Đức, theo dự cảm và cũng theo những gì đã từng biết về nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh, thì cuộc đời Quyên từ đó về sau sẽ gặp nhiều trắc trở lắm. Câu chuyện đúng như thế thật! 



Từ ánh nhìn của Hùng cho Quyên ngay sau đó thì chắc chắn, Hùng đã yêu Quyên. Cái yêu từ cái nhìn đầu tiên ở 1 góc cạnh của khuôn mặt luôn khiến người ta làm tất cả mọi thứ để chiếm hữu khuôn mặt đó, thân xác đó. Nhưng đó có phải là tình yêu đích thực (true love) mà người ta thường nói hay không thì chẳng ai biết được cả. Người ta cảm mến một ai đó có thể vì nhiều lí do, trong trường hợp này là vì Quyên đẹp. Người ta muốn chiếm hữu thứ mà người ta không có. Người ta nặng lòng với những thứ dù rất cố gắng nhưng người ta không bao giờ chạm được tới. Có phải vì nặng lòng quá nên mới theo dõi từng bước đi trong cuộc đời Quyên sau đó và tìm mọi cách giúp đỡ, che chở?

Lúc Dũng buông tay khi phát hiện ra cái bụng Quyên lùm lùm (thai cỡ 5-6 tháng) sau bao ngày mới được gặp lại, đầu mình vang lên câu “Thôi, xong rồi!”. Ý mình là Dũng là 1 người kém cỏi, 1 thằng đàn ông kém cỏi, 1 thằng đàn ông ích kỷ và tự ti. Trong cuộc đời có nhiều chuyện không thể lường trước được, ngay cả những người tu tập tinh tấn cảm nhận được đường đi của nghiệp. Sẽ có chuyện giữ lại, hiếp, có thai rồi đưa đến chỗ chồng người đó ở chứ. Thường 1 người kém cỏi sẽ làm mọi cách để bảo vệ cái gọi là “danh dự”. Danh dự của 1 thằng đàn ông, 1 thằng đàn ông bị bắt mất vợ, 1 thằng đàn bị người khác bắt mất vợ rồi làm vợ có thai, 1 thằng đàn ông tìm đường sang Đức để mong đổi đời với tấm bằng tiến sĩ… Danh dự khác tự trọng. Danh dự là thứ người khác nhìn vào mình. Tự trọng là cái từ bản thân mình ra. Một người có tự trọng bao giờ làm đủ mọi cách để người bên cạnh mình hạnh phúc. Người bảo vệ danh dự hão huyền thì có thể làm mọi điều độc ác, đáng khinh nhất. Lúc Dũng thừa nhận tất cả mọi chuyện với Quyên (giết Hùng, giết những người anh em khác của Hùng), mình có cảm giác sao giống Gone Girl (Cô gái mất tích) đến thế. Nhất là cái cách người ta hành hạ nhau, uy hiếp nhau, kìm kẹp nhau… Xem Gone Girl xong, mình bị ám ảnh về cách người ta đối xử với nhau.

Còn Hans, lúc Hans đưa Quyên vào viện cấp cứu khi thấy cổ tay Quyên đầy máu (Quyên rạch tay tự vẫn), mình nghĩ ngay đến người mà người ta hay nói là cần phải gặp đúng thời điểm thì chuyện mới thành. Nếu như một câu chuyện bình thường thì sau những lần Hans giúp đỡ Quyên thì Quyên sẽ nhận lời làm vợ “trên giấy tờ” để ở lại Đức. Nhưng Quyên đã không làm vậy. 

Theo cảm nhận của mình và những chi tiết được sắp xếp trong phim thì Quyên là 1 người phụ nữ đa đoan nhưng tiếc là cô diễn viên tuy có gương mặt đẹp lại không phản ánh được hết nội tâm của tuyp phụ nữ này. Từ sự chưa lột tả được hết nội tâm của nhân vật nên Quyên cứ mờ nhạt, tình cảm cứ mờ nhạt, cảm xúc cũng theo đó mà lơ lửng. Trong cuộc đời của 1 người phụ nữ đa đoan, sẽ có người đàn ông khiến họ hận, khiến họ nặng lòng, khiến họ coi như ruột thịt,… Vậy mà cuối phim, chẳng biết Quyên yêu ai. Cái kết của phim càng không khiến mình nghĩ đó là sự vô thường. Bởi sự vô thường chỉ đến khi người ta dám đối mặt với tất cả mọi thứ khiến họ khổ, đau, bi, lụy… rồi thấu hiểu nó, để nó ngấm vào mình rồi sống. Quyên thì lại khác từ chối Hùng vì muốn về với Dũng, từ chối Hans vì còn chồng, từ chối chồng vì thấy anh ta ác độc, cả cái việc mà Quyên quyết định bay về Việt Nam cùng bé Mi An để đối mặt với người mẹ gia giáo nền nếp (mình nghĩ là gia đình gốc Bắc) và những lời thị phi của xã hội cũng mờ nhạt nốt bởi không thấy sự quyết tâm, tự tin, và dũng khí. 

Nói gì thì nói thì “Quyên” vẫn là một phim đáng xem, nó lấy của mình một ít nước mắt, khơi dậy 1 chút muốn-đi-Đức bởi mùa thu quá đẹp và những dãy núi tuyết quá hùng vĩ. Và cuối cùng, nhờ có “Quyên” mà mình có thể hiểu vì sao mình bị thu hút bởi người nào đó. Đó là cảm giác thấy mình nhỏ bé và cần được che chở! Một cảm giác rất ít thấy trong lòng!