Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Nghe theo trái tim mà chọn nghề vì đường đời lúc nào cũng có may mắn

Rất tình cờ khi sáng đi học bên trường cán bộ mới biết là hôm nay là ngày đầu tiên thi đại học. Cũng bồi hồi lắm vì 6 năm trước mình cũng đi thi, chỉ có điều là mình thi đợt 2, khối D mà ^^

Thành thật mà nói hồi cấp 3, dù đã được phụ huynh và thầy cô định hướng các kiểu thì mình vẫn không thấy thích hợp với công việc nào cả. Khi đó mình chỉ mường tượng cái mình muốn chứ không thể gọi tên, giờ đang làm mà vẫn chưa thể gọi tên, nhưng thôi cứ nhận là Marketing Digital đi. Câu hỏi khó trả lời nhất đến giờ của mình vẫn là “Em/chị/cháu làm nghề gì?”.  

Hồi đó phụ huynh định hướng thi và học sư phạm. Còn bản thân thì thấy cái gần gũi nhất với cái mường tượng trong đầu là báo chí. Và để dung hòa giữa ý kiến của phụ huynh và sự bay bổng của bản thân, mình quyết định thi Quản lý giáo dục của Học viện quản lý giáo dục. May thế nào, trượt nguyện vọng 1. Đến giờ phút này mình không thể tưởng tượng nổi nếu mình đỗ sư phạm hay đỗ quản lý giáo dục thì bộ dạng mình sẽ như thế nào.

Để không bị các đấng phụ huynh ép buộc học y hay dược gì đó cho gần nhà thì mình quyết định nộp nguyện vọng 2 vào khoa Văn hóa học của Trường VH Hà Nội. Thực là phải đến giờ vẫn phải cám ơn chuyện trượt nguyện vọng 1 năm đó rồi học và “bắt” được cái duyên với Văn hóa học, công việc cũng như các mối quan hệ sau này. Học Văn hóa học rồi làm báo chí, truyền hình, sự kiện, truyền thông, quản lý khu du lịch sinh thái, maketing, copywriter… là 1 con đường khá dài để đến với cái duyên nợ thực sự. Phải rất nhiều thời gian để nhận ra mối duyên nghiệp này, không tránh được thì thôi bắt tay nhau rồi nhảy cho vui thì vui, buồn thì buồn.


Năm sau, em gái thứ 2 thi đại học. Nó thích y. Cả gia đình đồng ý và ủng hộ!

Ở Việt Nam, giáo dục Việt Nam có 1 cách định hướng nghề nghiệp rất buồn cười đó là cứ học đi rồi trước thời hạn thi đại học thì ngồi lại xem môn nào học được thì sẽ xem môn đó thuộc khối nào có ngành nghề nào nằm ở trường nào, cuối cùng chọn 1 trường phù hợp với lực học. Thầy mình bảo giáo dục Việt Nam không phải lạc hậu, mà là lạc đường. Bắt con nhà người ta đi đường vòng, bỏ phí quãng thời gian tuổi trẻ vật lộn giữa ý nguyện gia đình với ham muốn bản thân. Tại sao không để bọn trẻ hình dung chúng muốn làm nghề gì rồi định hướng cho chúng nó thi trường nào đào tạo nghề đó phù hợp với khả năng của chúng nó nhỉ?

Tại sao thì mình chịu, câu hỏi vĩ mô quá. Còn ở mức vi mô thì chỉ muốn nói là duyên nghiệp với 1 nghề nào đó không phải nó tự đến đâu. Vậy nên hãy cảm nhận “nó” và làm theo cảm nhận của mình. Chính nó mới là động lực và người dẫn đường để phấn đấu. Phấn đấu vì sự ngang bướng của bản thân hay muốn chứng tỏ cho người khác thấy là mình làm được thì cũng là động lực. Sau này thành công rạng danh thì tô vẽ cho động lực là gì mà chả được. Nhỉ?

Đỗ đại học hay trượt đại học cũng được, cái gì cũng có 2 mặt, ở thời điểm đấy thấy nó to tát chứ sau mấy năm nhìn lại thì thấy “Thường thôi!”. Chỉ có điều khi đỗ nên nhớ rằng bạn may mắn vì bạn có chăm chỉ, còn trượt thì hãy tự nhận là mình kém cỏi chứ đừng đổ cho học tài thi phận, hèn lắm!


Câu cuối đây: Cứ chăm chỉ đi vận may sẽ đến, người ta sẽ nể phục thành công của người thông minh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét